Ngay từ khi biết đến kế hoạch của chuyến đi này, các em học sinh đã hào hứng và mong đợi biết bao. Đúng 6 giờ 00 phút, các chiếc xe bắt đầu chuyển bánh. Sau hơn 1 giờ ngồi trên xe ô tô với một loạt những trò chơi tập thể vui nhộn và những câu chuyện hài hước, các em đã đến được Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Xe vừa dừng bánh, những cô cậu học trò ùa ra vui mừng và ngỡ ngàng biết bao trước không gian thoáng đãng đẹp tuyệt vời.
Làng Văn hoá các dân tộc là nơi tái hiện những giá trị văn hoá đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam (đến thời điểm hiện tại là 55 dân tộc). Đây là điểm tham quan lý tưởng cho nhân dân trong nước cũng như khách du lịch quốc tế và là biểu tượng sinh động để các nước trên thế giới hiểu được chính sách dân tộc của Việt Nam, đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, hoạt động thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Khu các làng dân tộc được xây dựng thành quần thể tái hiện các cấu trúc làng, bản của các dân tộc Việt Nam với quy hoạch và kiến trúc dân gian nhằm giới thiệu, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 55 dân tộc Việt Nam. Khu các làng dân tộc có 04 cụm làng tương ứng với các vùng miền mà các dân tộc cư trú.
Đặt những bước chân đầu tiên tới Làng văn hóa, như được chiêm ngưỡng ngôi chùa phủ màu vàng lộng lẫy tọa lạc bên hồ nước Đồng Mô. Đây là chùa Khmer đầu tiên hiện diện trên đất Hà Nội và là ngôi chùa Phật giáo Nam tông thứ 454 của cả nước, được xem như một điểm sáng về phục dựng những công trình kiến trúc mang nét đặc sắc. Quần thể chùa gồm chính điện, am thờ, tháp góc, nhà thiêu, vườn tháp, nhà ghe ngo, nhà thuyền, chùa nhỏ, nhà sa la, cột cờ và ao sen. Mỗi công trình nằm ở cao độ khác nhau và liên kết với nhau bởi những dãy hành lang lát đá hòa nhập với cảnh quan xung quanh, bên ngoài bao bọc bởi hệ thống đường dạo len lỏi giữa vườn cây.
Một dấu ấn không thể quên khi đến với Làng văn hóa các dân tộc là quần thể tháp Chăm. Trải qua quá trình xây dựng trong hơn 4 năm ròng rã, đây là công trình được tạo dựng một cách kỳ công hiếm có dựa trên nguyên mẫu là tháp Po Klong Garai tại Phan Rang. Một trong những quần thể tháp đẹp nhất và còn khá nguyên vẹn của người Chăm ở Ninh Thuận đã được tái hiện và trở thành đại diện di sản văn hóa của người Chăm ở Hà Nội, phục dựng theo tỉ lệ 1/1 so với tháp nguyên bản. Chúng tôi cứ mải mê ngắm nhìn rồi lại mải mê chụp ảnh để ghi lại những kỉ niệm đẹp khi được đến nơi đây…
Sau đó thật nhanh chóng, các em ùa vào với những trò chơi vui nhộn. Vũ trụ bay, thảm bay, ô tô đụng, tàu lượn siêu tốc hay trượt cỏ… đều được các em khám phá và chinh phục cùng bạn bè. Những tiếng reo hò cổ vũ, những tiếng cười nói vang trời của các em khiến cho niềm vui được nhân lên thêm biết bao nhiêu.
Đúng 15 giờ 30 chiều, tất cả giáo viên và học sinh đều khẩn trương lên xe để trở về trường. Ai nấy đều cảm thấy bịn rịn, lưu luyến với những nơi mình vừa in dấu chân qua. Có thể nói, chuyến đi học tập trải nghiệm thực tế lần này vừa tạo cơ hội cho các em học sinh được vui chơi, thư giãn sau một kì học đầy căng thẳng, mệt mỏi, vừa là điều kiện để các em được tham quan, tìm hiểu những vẻ đẹp của thiên nhiên và văn hóa các dân tộc Việt Nam để từ đó bồi dưỡng thêm ở các em tình yêu quê hương, đất nước./.